Hình ảnh sản phẩm là yếu tố quyết định trong câu chuyện kinh doanh. Tuy nhiên không phải bất cứ chủ shop nào cũng có thể đầu tư một studio chụp ảnh với các thiết bị đắt tiền. Một trong những xu thế hiện nay đang được các chủ shop lựa chọn, đó là sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) như một công cụ chụp ảnh sản phẩm chuyên nghiệp. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn các cách để chụp ảnh sản phẩm đẹp chỉ bằng smartphone.
1. Chụp ảnh sản phẩm trong điều kiện ánh sáng tốt
Ánh sáng là điều kiện quan trọng khi chụp ảnh bằng điện thoại. Có hai nguồn sáng cơ bản: Nguồn sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời) và nguồn sáng nhân tạo (ánh sáng đèn điện). Nếu chỉ giơ điện thoại lên và chụp hình thì rất đơn giản, nhưng trong trường hợp bạn muốn chụp ảnh sản phẩm đẹp, rõ nét, có thể lấy hết các góc cạnh của sản phẩm thì bạn nên chú ý các vấn đề sau đây:
- Chọn giờ “vàng” để chụp ảnh sản phẩm: Ánh sáng tự nhiên luôn là điều kiện lý tưởng nhất để chụp ảnh, hãy chọn thời điểm trong khoảng từ 8h – 10h sáng đến 3h-5h chiều (tránh ánh sáng gắt) để có những bức hình đẹp nhất.
- Đo độ sáng trên sản phẩm: Camera của smartphone sẽ giúp bạn lấy nét khi chạm vào màn hình, đồng thời đo độ sáng của vật thể cần chụp. Bạn có thể chạm vào nhiều vùng sáng / tối khác nhau và lựa chọn một điểm giúp sản phẩm rõ nét và không bị lóa.
- Không chụp ngược sáng: Tuyệt đối không chụp ảnh sản phẩm khi nguồn sáng nằm ở phía sau sản phẩm. Bất cứ bước ảnh ngược sáng nào cũng có thể khiến cho sản phẩm của bạn bị tương phản và tối màu.
- Không chụp trong môi trường thiếu ánh sáng: Thiếu sáng sẽ làm cho màu sắc sản phẩm không được thể hiện chính xác.
- Tận dụng ánh sáng nhân tạo: Trường hợp không có ánh sáng tự nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng đèn điện để chụp hình, nhưng vẫn phải đảm bảo độ sáng đủ để hình ảnh của bạn không bị mờ.
Một gợi ý nhỏ, nếu bạn thích chụp ảnh sản phẩm đẹp và chuyên nghiệp như trên các trang thương mại điện tử (sản phẩm có nền trắng hoàn toàn), bạn có thể đầu tư một “Hộp chụp ảnh sản phẩm”. Hộp chụp ảnh sản phẩm là dạng hộp vuông có kích thước 60x60x60cm, xung quanh được bọc vải trắng mỏng và có đèn chiếu sáng từ các góc. Giá thành cho các hộp chụp sản phẩm này rơi vào khoảng từ 800.000 đến 2.000.000 đồng tùy thuộc vào chất lượng và các dụng cụ đính kèm. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy công cụ này ở các cửa hàng liên quan đến nhiếp ảnh.
2. Sắp xếp bối cảnh phù hợp
Bối cảnh (hay còn được gọi là background) là tất cả những gì nằm trong khung hình và làm nền cho sản phẩm của bạn. Làm thế nào để chọn một bối cảnh phù hợp? Hãy thử các gợi ý sau đây:
- Sử dụng Hộp chụp ảnh sản phẩm (hay còn gọi là studio box/foldio): Việc sử dụng “Hộp chụp sản phẩm” để có những bức ảnh với phông nền trắng tinh khôi thường được gợi ý sử dụng khi bạn chụp các sản phẩm có kích thước nhỏ như đồng hồ, kính mắt hay các loại mỹ phẩm…
- Chọn màu nền đồng nhất: Ngoài màu trắng cơ bản, bạn có thể lựa chọn nhiều màu sắc khác nhau để làm nổi bật sản phẩm, táo bạo hơn, bạn có thể chọn các gam màu tương phản nhau như đen – trắng, xanh lam – vàng…
- Lựa chọn các phông nền tự nhiên: Các bối cảnh gần gũi với cuộc sống hay một khung cảnh sắp đặt ngẫu nhiên như bức tường, sàn gỗ, khung trời, vườn cây, đường phố… sẽ khiến cho bức ảnh chụp sản phẩm của bạn trở nên sinh động và hấp hơn. Ví dụ như bạn muốn chụp bộ sưu tập quần áo (lookbook), bạn có thể chọn chụp trong khung cảnh đường phố để tạo độ rộng về không gian.
Hoặc bạn muốn chụp ảnh đồ trang sức, bạn có thể sản phẩm treo lên giá hoặc sử dụng những vật thể khác để trang trí, giúp hình ảnh của bạn không bị đơn điệu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các vật phẩm làm nền không nên có quá nhiều chi tiết gây rối mắt. Nếu bối cảnh có quá nhiều chi tiết, bạn có thể làm mờ đi những vật không cần thiết trước khi chụp sản phẩm.
3. Lựa chọn bố cục hình ảnh hợp lý khi chụp ảnh sản phẩm
Khi đưa máy điện thoại lên, không phải ai cũng có phản xạ chọn khung ảnh theo bố cục phù hợp, để đối tượng cần chụp được nổi bật hoặc ấn tượng. Bạn nên chú ý các vấn đề sau đây để có một bố cục như ý:
- Sắp xếp sản phẩm của bạn thật nổi bật.
- Chỉ nên đặt tối đa 5 vật thể khác nhau trong cùng một khung hình.
- Bố cục tuân theo “Nguyên tắc tỷ lệ vàng 1/3“
- Sáng tạo khi chụp ảnh để có được khung hình tự nhiên nhất.
Nguyên tắc tỉ lệ vàng 1/3 là cách khung ảnh được chia thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. Một số dòng smartphone hiện nay đều hỗ trợ dạng lưới theo tỉ lệ này khi chụp ảnh.
Nếu sản phẩm nằm ở giữa khung hình sẽ tăng độ tập trung, nhưng lại thiếu chiều sâu cần thiết, đặc biệt là đối với những ảnh sản phẩm có sự xuất hiện bởi con người. Bởi vậy khi áp dụng “quy tắc tỷ lệ vàng 1/3”, đặt chủ thể ở điểm giao giữa 4 đường thẳng, sẽ giúp bạn có được một hình ảnh ấn tượng hơn.
Khi đã thuần thục với các nguyên tắc cơ bản, hãy tự do sáng tạo để có được những bức ảnh chụp sản phẩm hấp dẫn nhất, mà không cần phải tuân theo những quy tắc cứng nhắc ban đầu.
4. Tìm kiếm góc chụp phù hợp
Khi đã có một bố cục hợp lý, bạn có thể tìm cho mình một góc chụp ảnh sản phẩm tốt nhất. Chỉ cần chỉ xê dịch một chút vị trí cầm máy, đôi khi sẽ mang lại cho bạn góc ảnh bất ngờ. Với sự cơ động của điện thoại, bạn có thể dễ dàng thay đổi nhiều góc chụp:
- Góc nhìn ngang tầm mắt: Góc chụp tự nhiên nhất là góc chụp ngang tầm mắt, góc chụp này sẽ giúp khách hàng của bạn tập trung hoàn toàn vào sản phẩm.
- Góc chụp từ trên cao xuống hoặc từ dưới lên: Hai góc chụp này có thể giúp khách hàng có thể hình dung được tổng thể sản phẩm một cách chân thực nhất cả về hình ảnh lẫn màu sắc. Góc chụp này thường được áp dụng khi chụp ảnh sản phẩm quần áo.
- Góc chụp chéo sản phẩm: Chụp chéo sản phẩm sẽ tạo sự ngẫu nhiên, mới lạ và độ sâu cho hình ảnh của bạn, giúp khách hàng có góc nhìn toàn diện hơn về sản phẩm. Góc chụp này thường được áp dụng khi chụp các sản phẩm phụ kiện thời trang hoặc giày dép.
- Chụp ảnh cận cảnh sản phẩm: Chế độ chụp Macro (chụp cận cảnh) sẽ giúp bạn có được một góc nhỏ sắc nét của sản phẩm, tạo sự thích thú cho người xem. Trường hợp máy điện thoại của bạn không hỗ trợ chức năng này, bạn có thể mua bổ sung lens (ống kính rời) để gắn vào camera trước của bạn. Chế độ chụp này phù hợp với các sản phẩm có độ tinh xảo và chi tiết cao như trang sức, đồng hồ…
Mỗi góc chụp sẽ đem lại những trải nghiệm mới cho hình ảnh sản phẩm của bạn, đôi khi xem đi xem lại một hình ảnh với một góc chụp duy nhất dễ khiến cho khách hàng cảm thấy nhàm chán. Đừng ngại thay đổi hình ảnh để thu hút được nhiều khách hàng hơn.
5. Lấy nét và cầm chắc điện thoại khi chụp
Lấy nét là bước hết sức đơn giản khi chụp ảnh sản phẩm bằng điện thoại, bạn chỉ cần chạm nhẹ vào sản phẩm để camera lấy nét và bấm chụp như bình thường. Do điện thoại khá nhẹ và mỏng nên việc cầm khi chụp cũng khó khăn hơn so với máy ảnh, khiến tay bạn dễ bị rung, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng ảnh. Mặc dù hiện nay phần lớn điện thoại thông minh dòng cao cấp đều có hỗ trợ chống rung quang học nhưng thường chỉ hỗ trợ chống rung ở xung động xung quanh bạn như khi đang di chuyển trên tàu, xe… Để chắc chắn, hãy:
- Cầm chắc điện thoại, bấm chụp và hãy giữ máy trong khoảng 3-5s
- Đặt chế độ hẹn giờ (2s, 5s) để hạn chế rung tay.
- Trong trường hợp có điều kiện, bạn có thể mua một chiếc chân máy ảnh để đặt điện thoại.
Chân máy ảnh (tripod) với giá khoảng từ 300.000 đến 500.000đ, có chân đế đặt vừa điện thoại di động để giữ độ thăng bằng là một gợi ý hợp lý giúp chụp ảnh sản phẩm đẹp hơn.
Khi chuẩn bị đầy đủ và cảm thấy hợp lý, bạn chỉ cần bấm chụp để lưu lại. Lưu ý khi chụp ảnh sản phẩm, bạn nên chụp nhiều hình ảnh cùng lúc để có thể chọn ra tấm hình ưng ý nhất.
6. Học cách sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh
Dòng điện thoại thông minh đều tích hợp sẵn một vài công cụ chỉnh sửa ảnh, tuy nhiên còn nhiều hạn chế. Bạn hoàn toàn có thể tìm được những phần mềm chỉnh sửa ảnh từ đơn giản đến phức tạp bằng cách truy cập truy cập kho ứng dụng miễn phí trên Android (Google Play), iOS (Appstore) và Windows Phone (Window store). Dưới đây là một vài gợi ý về ứng dụng chỉnh sửa ảnh tốt trên di dộng mà bạn có thể tham khảo:
- Đối với hệ điều hành Window Phone: Có thể sử dụng ứng dụng Nokia Camera, Fotor, Photo Express…
- Trên các máy sử dụng hệ điều hành Android và iPhone: Có thể sử dụng VSCOcam, Snapseed, InstaMag, Studio, Moldiv,…
- Một số ứng dụng giúp chèn chữ trên ảnh như Phonto, Quick, Typic, Over, Bubble Frame, Piclab,…
- Ứng dụng ghép nhiều ảnh vào một khung hình như Layout của Instagram, Photo Wonder…
Không cần phải máy ảnh đắt tiền, dàn dựng công phu, chỉ cần một chiếc smartphone và nắm vững các cách chụp ảnh sản phẩm đẹp mắt là bạn đã có thể tự tin kinh doanh rồi.
Nguồn: hisella